4 năm trước
Một số quốc gia trên thế giới cho phép du học sinh làm thêm để trang trải cho cuộc sống. Các sinh viên cần tìm hiểu kỹ về vấn đề này nhằm đảm bảo vừa học vừa làm hiệu quả.
Đa phần các quốc gia tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế làm thêm cho phép các bạn lao động từ 10 đến 20 tiếng mỗi tuần nhằm đảm bảo nhận được mức tiền lương tối thiểu mà không ảnh hưởng tới việc học hành. Trước lợi thế này, các bạn nên nắm rõ các bước tìm việc cũng như quyền và nghĩa vụ lao động để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc.
TÌM VIỆC Ở ĐÂU?
Du học sinh có thể tìm việc qua các kênh sau:
- Dịch vụ hỗ trợ nghề nghiệp của nhà trường
Một số trường đại học, cao đẳng ở nước ngoài cung cấp dịch vụ trợ giúp sinh viên tìm việc, đóng vai trò trung gian liên lạc giữa bạn và nhà tuyển dụng. Nếu may mắn, bạn có thể làm một số công việc trong trường như thủ thư, bán hàng canteen,… Những người có thành tích tốt thậm chí còn được làm trợ giảng cho các giáo sư. Thu nhập có thể không cao nhưng quyền lao động của sinh viên được đảm bảo. Đặc biệt, nếu làm việc liên quan tới học thuật, các bạn có thể thu được những kinh nghiệm về kiến thức chuyên môn.
- Sử dụng các trang web tìm việc
Có vô vàn trang web tìm việc cho du học sinh và người bản địa ở quốc gia bạn sống. Hãy chọn công việc phù hợp với thời gian, khả năng của bản thân và lưu ý đọc kỹ các điều khoản trước khi cam kết ràng buộc với bất kỳ nhà tuyển dụng nào. Điều quan trọng là bạn phải nắm rõ luật lao động, hiểu về quyền và nghĩa vụ của cá nhân lẫn chủ thuê để tránh bị lạm dụng hoặc có những rắc rối không đáng có.
- Liên hệ trực tiếp với nhà tuyển dụng
Nghe có vẻ mạo hiểm nhưng cũng đáng thử. Bạn có thể trực tiếp đến một số cửa hàng và hỏi về bất cứ vị trí nào cần tuyển và để lại hồ sơ nếu được. Hoặc không, sinh viên có thể lên website chính thức của các nhãn hàng. Rất nhiều nơi có thông báo tuyển dụng ngay trên chính website của mình.
TÌM VIỆC NHƯ THẾ NÀO?
Trừ khi được giới thiệu hoặc có mối quan hệ với chủ thuê, bạn sẽ cần nộp hồ sơ (resume) khi xin việc. Resume là bản tóm tắt lý lịch cá nhân, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm (nếu có) để nhà tuyển dụng nắm được thông tin về bạn, qua đó có sự cân nhắc, đánh giá trước khi đưa ra quyết định chấp nhận hay không.
Nếu xin việc ở các cửa hàng lớn hoặc những vị trí liên quan đến công việc giấy tờ, du học sinh nên nhờ người giỏi tiếng Anh rà soát lại để tránh các lỗi về ngôn ngữ, có khả năng gây “mất điểm” trong mắt nhà tuyển dụng.
KHI NÀO NÊN TÌM VIỆC?
Có những nước để sinh viên làm thêm ngay trong năm đầu đại học và sự thật là khá nhiều bạn trẻ cũng sốt sắng tìm việc trong thời gian này. Tuy nhiên, điều đó thực sự không nên bởi các bạn thường còn bỡ ngỡ vào năm nhất và vẫn đang trong quá trình làm quen cũng như cân bằng giữa việc học và sinh hoạt thường ngày. Ngay lập tức đắm chìm vào công việc có thể giúp bạn “rủng rỉnh” nhưng khả năng lơ là việc học rất cao.
Vậy nên tìm việc khi nào? Có lẽ năm 2 là thời gian lý tưởng để các bạn trẻ làm thêm. Lúc này các bạn đã thích nghi với cuộc sống ở nước sở tại, ngoại ngữ cũng đã vững nên khả năng tìm được công việc tốt cũng cao hơn. Ngoài ra, sinh viên cũng đã tích lũy được nhiều mối quan hệ sau 1 năm học tập, và biết đâu những mối liên hệ đó sẽ mang lại cho bạn cơ hội không ngờ?