4 sai lầm cần tránh khi nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm

4 năm trước


1. Nói quá về các thiệt hại của bản thân

Giả sử bạn vừa trải qua một kỳ nghỉ không có gì thú vị ở Brazil. Những ngày đầu thời tiết khá lạnh và mưa, sau đó khi thời tiết tốt hơn thì bạn lại cảm thấy đau bụng, khó chịu. Khi đến một phòng khám địa phương, bác sĩ chẩn đoán bạn chỉ mắc phải chứng khó tiêu. Tuy nhiên, bạn bỏ qua chẩn đoán của bác sĩ và trở về nhà sớm rồi nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm gián đoạn chuyến đi vì một căn bệnh nghiêm trọng. Đương nhiên, đơn yêu cầu bồi thường của bạn sẽ không được công ty bảo hiểm chấp nhận.

Một số người thường có xu hướng “phóng đại” các tình trạng bệnh tật, thương tích hay các mất mát trong chuyến đi để có thể lấy tiền bồi thường từ các công ty bảo hiểm. Tốt nhất bạn đừng làm như vậy. Khi bạn trình bày sai sự thật trong đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm, đó gọi là gian lận bảo hiểm.

Trong tất cả các trường hợp bạn khiếu nại, nhân viên của công ty bảo hiểm đều xác minh sự thật cẩn thận. Khi họ thấy trong hồ sơ y tế bạn không mắc bệnh nghiêm trọng, cũng như bác sĩ không yêu cầu bạn phải gián đoạn chuyến đi, công ty bảo hiểm sẽ không chấp nhận bồi thường.

 

 

2. Không đọc kỹ về những trường hợp không được bảo hiểm trong hợp đồng

Bạn sửa soạn một vài đồ trang sức như vòng tay, khuyên tai cùng những chiếc áo thời trang đắt tiền để chuẩn bị cho một chuyến đi du lịch trên tàu sang trọng. Sau khi lên tàu, bạn mới phát hiện hành lý của mình chưa được đưa lên cabin và bị thất lạc mất. Bạn nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm cho hành lý bị mất và nhận ra bạn sẽ không nhận khoản bồi hoàn cho tất cả các đồ đạc bị mất.

Mỗi gói bảo hiểm đều có những chính sách giới hạn cho một số trường hợp nhất định. Một số gói bảo hiểm du lịch sẽ không chịu trách nhiệm cho những món đồ trang sức bị mất trừ khi bị cướp có vũ khí hay mất trộm trong két sắt của khách sạn. Ngoài ra, một số mặt hàng như máy ảnh, máy quay phim, máy tính, các thiết bị thể thao… cần được cung cấp đầy đủ biên lai để chứng minh giá trị món hàng cho công ty bảo hiểm xác minh.

Vì vậy, trước khi đi du lịch, bạn cần nắm rõ những chính sách bảo hiểm. Bạn có thể để riêng những món đồ không được bảo hiểm chịu trách nhiệm ở một túi khác để an toàn hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại danh sách những món đồ có trong hành lý và biên lai mua hàng.

3. Không cung cấp bằng chứng về các thiệt hại của bạn

Bạn đang trên đường cao tốc ra sân bay để bắt đầu một chuyến du lịch nhưng không may lại bị một xe ô tô khác đâm vào. Xe thì hư hỏng còn bạn phải nhập viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Trường hợp gặp phải tai nạn giao thông trên đường xuất phát có thể được chấp nhận là lý do cho việc hủy chuyến đi nếu bạn bị thương nghiêm trọng, cần điều trị y tế. Khi đó, bạn gửi biên lai vé máy bay và các chi phí cho chuyến đi, cũng như những hình ảnh về hiện trường vụ tai nạn cho công ty bảo hiểm nhưng vẫn chưa đầy đủ tài liệu cần thiết.

Khi bạn nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm, bạn cần liệt kê các khoản chi phí, lý do hủy chuyến đi và bất kỳ khoản bồi hoàn nào bạn có thể nhận được từ những dịch vụ khác. Một số tài liệu bạn có thể cần cung cấp cho công ty bảo hiểm (các công ty có yêu cầu khác nhau) gồm:

 

 

  • Biên lai, hóa đơn từng khoản chi phí mà bạn đã bỏ ra
  • Những giấy tờ liên quan đến bất kỳ khoản hoàn lại hoặc phụ cấp bạn nhận được từ các công ty du lịch, khách sạn, hãng hàng không, các công ty quản lý tài sản khác…
  • Bản sao của hóa đơn tại các khu nghỉ dưỡng hoặc biên nhận đặt chỗ ở
  • Bất cứ tài liệu phù hợp nào giải thích nguyên nhân chính xác cho việc hủy hoặc gián đoạn chuyến đi của bạn
  • Các chẩn đoán cùng với bản sao các hóa đơn, biên lai của từng khoản thanh toán, cũng như bằng chứng về các khoản thanh toán bảo hiểm khác
  • Vé chưa được sử dụng cùng những biên lai thanh toán chứng minh chi phí đã trả
  • Tài liệu về các khoản bồi thường bạn nhận được từ các công ty du lịch hoặc hãng hàng không

Bạn có thể không cần gửi tất cả mọi thứ được nêu ở trên nhưng tốt hơn hết bạn nên chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng để giúp công ty bảo hiểm xác thực thông tin dễ dàng hơn.

4. Nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm quá thời gian quy định

Bạn có một chuyến bay bị hoãn vì lý do trục trặc động cơ và bạn phải đặt một khách sạn khác tạm thời để ăn uống, nghỉ ngơi. Quyền lợi trì hoãn chuyến đi trong bảo hiểm du lịch có thể hỗ trợ bạn chi phí cho những vấn đề phát sinh trong chuyến đi như vậy. Thế nhưng, bạn lại chần chừ trong việc nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm và cuối cùng khi nộp thì đã hết thời hạn giải quyết. Đương nhiên, công ty bảo hiểm sẽ từ chối đơn yêu cầu của bạn.

Đơn khiếu nại bồi thường hoàn chỉnh thường phải nộp đến công ty bảo hiểm trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng bảo hiểm cùng với các giấy tờ liên quan như báo cáo của bệnh viện, bác sĩ, cảnh sát, hãng hàng không hoặc các cơ quan có trách nhiệm khác.

Hiện nay, một số công ty bảo hiểm còn có ứng dụng trên điện thoại để bạn có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm qua điện thoại hoặc nộp đơn trực tuyến qua Internet, kèm theo các hình ảnh và tài liệu được tải lên đầy đủ. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì về quá trình nộp đơn khiếu nại bồi thường, hãy liên lạc với công ty bảo hiểm để được hướng dẫn cụ thể.

Godiva Travel - Hotline 0945.118.631

Bài viết liên quan

Loading

Vì sao người Việt cần mua bảo hiểm du lịch khi đi nước ngoài?

Cho dù bạn có lên kế hoạch kỹ lưỡng đến mấy, cũng khó mà lường trước được những rủi ro bất ngờ xảy ra. Chính lúc này, bảo hiểm du lịch xuất hiện như “vị cứu tinh” giúp bạn đỡ phiền muộn khi muốn hủy bỏ chuyến bay và khách sạn trước giờ “G”.
Loading

Những điều bạn nên biết về bảo hiểm du lịch

Bạn cần lên kế hoạch cẩn thận trước khi quyết định mua gói bảo hiểm du lịch, điều quan trọng là bạn phải chọn gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, ngân sách cũng như kế hoạch du lịch.
Loading

Làm sao để sử dụng chính sách bảo hiểm khi hủy chuyến bay?

Các chuyến bay đến đó cũng bị hủy để đảm bảo an toàn. Bạn có nên gọi đến công ty bảo hiểm du lịch để hủy chuyến đi?
Loading

Bạn có nên mua bảo hiểm du lịch khi đã có bảo hiểm y tế?

Bảo hiểm du lịch sẽ cung cấp cho bạn những chính sách về sơ tán y tế, hỗ trợ y tế khẩn cấp toàn diện hơn.